Thuốc Đông Y không như thuốc Tây chỉ mua về uống, trước khi uống còn phải sắc. Nhưng sắc thuốc thế nào cho đúng thì nhiều bạn còn chưa biết.
- Những vị thuốc Đông Y chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ thường dùng
- Phối hợp thuốc trong Đông Y như thế nào để phát huy tác dụng tốt?
- Châm cứu chữa đau thần kinh tọa hiệu quả cao
Những điều bạn cần phải biết nếu đang uống thuốc Đông Y
Nếu uống thuốc Đông Y bạn cần phải biết những điều này
Những kiến thức Đông Y bạn cần phải biết trước khi uống thuốc:
Dụng cụ: Để sắc thuốc, cần phải có dụng cụ có thể là ấm đất, ấm sành, nồi, xoong nhôm, thép không gỉ, ấm sắc thuốc bằng điện. Nước sắc thuốc phải là nước sạch.
Các bước tiến hành: Thuốc trước khi sắc cần phải được rửa thât sạch, sau đó đổ thuốc vào ấm rồi cho nước ngập mặt thuốc khoảng 2 cm. Nếu dùng ấm sắc thuốc có vòi, cần lấy giấy gói thuốc lót dưới mặt vung và nút vòi ấm lại để ngăn không cho thuốc sôi trào ra ngoài.
Khi nấu thuốc, mới đầu dùng lửa lớn để cho nhanh sôi. Sau khi thuốc đã sôi, tùy loại thuốc mà sử dụng một trong hai cách sau:
+ Với các loại thuốc bổ, điều chỉnh xuống mức lửa vừa để thuốc sôi âm ỉ trong khoảng 60 phút sao cho thuốc vẫn sôi nhưng không trào ra. Sau khi thuốc sắc xong, chắt lấy nước thuốc thứ nhất rồi đổ nước vào ngập thuốc khoảng 1 cm, tiếp tục sắc như trên rồi chắt lấy nước thứ hai.
+ Với thuốc thanh nhiệt, cảm mạo… cần điều chỉnh xuống mức lửa vừa để nước thuốc sôi nhẹ khoảng 20 phút là được và chỉ sắc một lần.
Nếu uống thuốc Đông Y bạn cần phải biết những điều này
Cần chú ý: Nếu thuốc là khoáng vật, vỏ cứng thì cần đập vỡ nhỏ, sắc khoảng 10-15 phút rồi mới cho các thuốc còn lại vào sắc tiếp. Nếu phương thuốc có hương thơm, tinh dầu (bạc hà, sa nhân, đậu khấu, nhục quế,…) thì khi sắp sắc xong mới cho vị thuốc này vào, 4 đến 5 phút là bắc ra.
Với những thuốc quý như nhân sâm, nên thái lát, chưng cách thủy cho nhừ, chắt lấy nước hòa cùng thuốc uống, bã có thể ăn nếu muốn. Các vị thuốc đã tán thành bột cần bọc vào một miếng vải nhỏ trước khi sắc để tránh khi uống nước thuốc, bột này sẽ vướng ở họng gây sặc, hóc.
Trong khi sắc thuốc bằng các loại bếp, cần nhớ luôn phải điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp, canh để thuốc không sôi tràn ra ngoài. Bên cạnh đó, không để thuốc cạn nước, cháy nồi. Nếu thấy mực nước cạn, cần cho thêm để chất thuốc có thể hòa tan tốt.
Thời gian uống thuốc: Với bệnh cấp tính, cần uống thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. Bệnh mạn tính nên uống thuốc trước khi ăn một giờ. Tuy nhiên, những thuốc có tính kích thích niêm mạc dạ dày, ruột nên uống sau ăn để giảm kích thích. Thuốc dưỡng tâm an thần, mất ngủ nên uống trước khi ngủ. Thuốc chữa sốt rét nên uống trước cơn hai giờ.
Liều lượng thuốc trong một lần uống: Khi uống thuốc Đông y, cần chú ý tới liều lượng trong một lần uống để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Người lớn uống mỗi lần một chén chừng 250 ml, trẻ em dưới 12 tuổi uống bằng 1/3 liều người lớn. Trường hợp trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy, uống theo liều trên vẫn nôn, vẫn tiêu chảy thì giảm liều để dạ dày, ruột có điều kiện tiếp nhận, hấp thu thuốc.
Ngoài ra, cũng có thể uống thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền: Bệnh ở thượng tiêu (ngực trở lên đầu) thì ăn rồi uống thuốc. Bệnh ở trung tiêu (cơ quan vùng bụng trên), hạ tiêu (cơ quan vùng bụng dưới, chi dưới) thì uống thuốc rồi ăn. Bệnh ở kinh mạch tứ chi, uống thuốc vào sáng sớm lúc chưa ăn. Bệnh ở xương tủy, uống thuốc vào lúc no buổi tối.
Nguồn: thuocdongy.edu.vn