Những bài thuốc hay điều trị bệnh nhiệt miệng

Bệnh nhiệt miệng có thể gây ra tình trạng khó chịu, thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời, vì thế bạn có thể tham khảo điều trị căn bệnh này bằng các bài thuốc Đông y sau đây.

Những bài thuốc hay điều trị bệnh nhiệt miệng

Theo nguồn kiến thức Đông y, nhiệt miệng là chứng bệnh thường phát về mùa hè với những vết viêm loét ở đầu lưỡi hoặc ở niêm mạc trong khoang miệng, kèm theo viêm lợi, ngứa lợi, lợi có màu đỏ, hơi sưng nề, dễ chảy máu, sốt, mất ngủ, tâm phiền…Theo Đông y, nhiệt miệng có 2 thể bệnh chính, ở mỗi thể sẽ có những đặc điểm và các bài thuốc điều trị bệnh khác nhau.

Nhiệt miệng do tâm hỏa cang thịnh

Ở thế bệnh này, người bệnh có những nốt loét ở đầu hoặc thân lưỡi, gây đau rát, xót, vì vậy người bệnh nhiều khi bỏ ăn vì sợ đau, uống nước nguội thấy dễ chịu. Kèm theo đau đầu, sốt, đại tiện thường táo, tiểu tiện đỏ lượng ít, mất ngủ, nếu là nam giới dễ bị di hoạt tinh, cơ thể suy nhược. Phép trị là tả tâm hỏa, bổ thận thủy kèm chống viêm thanh nhiệt. Dùng một trong các bài thuốc sau đây:

  • Bài 1: Cỏ mực, rau má ( mỗi loại 20g), Tang diệp, thảo đất (mỗi loại 16g), Thục địa, sài hồ (mỗi loại 12g), hoàng liên 10g, hoàng bá 10g, trúc diệp 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
  • Bài 2: cỏ mần trầu 16g, rau diếp cá 20g, bồ công anh 16g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, chi tử 12g, sinh địa 12g, đương quy 12g, nhân sâm 10g, sâm đại hành 16g, huyền sâm 12g, mơ muối 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
  • Bài 3: đào nhân 10g, hồng hoa 10g, mạch môn 16g, thiên môn 16g, sa sâm 16g, bồ công anh 20g, đinh lăng 20g, đương quy 12g, sinh địa 12g, bạch thược 12g, hắc táo nhân 16g, phục thần 10g, cát căn 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh loét miệng

Nhiệt miệng do tỳ vị tích nhiệt

Ở thể bệnh này người bệnh có biểu hiện lợi sưng đau, dễ chảy máu, lưỡi đỏ, có những nốt loét trong khoang miệng, người bệnh đau đớn không ăn uống được kèm theo đại tiện táo kết, bụng đầy trướng, hơi thở nóng, tâm rạo rực, thích uống đồ mát… Phép trị là thanh nhiệt lương huyết, chống viêm kết hợp dưỡng tâm tỳ. Dùng một trong các bài:

  • Bài 1: ngân hoa 10g, liên kiều 12g, tri mẫu 10g, hoàng bá 12g, bạch thược 12g, hồng hoa 10g, cỏ mực 20g, cát căn 20g, sinh địa 12g, trần bì 10g, đại táo 10g, trúc diệp 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
  • Bài 2: cát căn 20g, chi tử 12g, liên kiều 12g, đinh lăng 20g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, sâm đại hành 16g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, sài hồ 12g, mạch môn 16g, thiên môn 16g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bên cạnh các bài thuốc Đông y kể trên để đạt hiệu quả cao nhất thì người bệnh có thể kết hợp với các món ăn bài thuốc sau đây:

  • Canh rau cần – óc lợn: óc lợn 1 cái, táo Tàu 10 quả, rau cần 100g, gia vị vừa đủ. Óc lợn và táo Tàu nấu trước cho chín mềm, sau đó cho rau cần đã rửa sạch thái ngắn vào, đun thêm một lát, nêm gia vị và ăn trong bữa cơm. Bài thuốc này có công dụng: dưỡng não, bổ tâm tỳ, thanh nhiệt chống viêm, trừ phiền.
  • Chè bí đỏ – đậu đen: bí đỏ 150g, đậu đen 80g, đường trắng vừa đủ. Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng to. Đậu đen cùng bí đỏ cho vào nồi nấu cho thật chín mềm, cho đường vừa ăn, múc ra bát, để nguội ăn. Công dụng: thanh nhiệt, bổ âm, mát huyết, chống viêm.

Tuy rằng có tác dụng điều trị bệnh rất tốt nhưng các bài thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn.

Nguồn: thuocdongy.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *