Những bài thuốc hay chữa bệnh từ hoa cúc

Không chỉ có tác dụng làm đẹp hoa cúc còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh mà rất ít người biết đến.

Hoa cúc có công dụng chữa bệnh như thế nào?

Hoa cúc có công dụng chữa bệnh như thế nào?

Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng có hai loại thường được dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Theo nguồn kiến thức Đông y, cúc hoa trắng vị đắng, tính bình (Bản Kinh), vị ngọt, không độc (Biệt Lục), vị đắng mà ngọt, tính hàn (Thang Dịch Bản Thảo); quy vào các kinh phế, tỳ, can, thận; có tác dụng tán phong thanh nhiệt, bình can, minh mục, giải sang độc. Cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn, quy vào 3 kinh phế, can, thận, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, minh mục, giáng áp. Cả hai thường được sử dụng để chữa các chứng cảm lạnh, sốt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu ngày lợi huyết, có tác dụng về nội tiết làm trẻ lâu.

Còn ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh được một số tác dụng của hoa cúc như: Tác dụng hạ huyết áp trên động vật thực nghiệm và thử nghiệm lâm sàng trên người có bệnh tăng huyết áp; tác dụng chữa cảm phong hàn làm hết sốt ở 80% số bệnh nhân sau ngày điều trị thứ nhất; tác dụng chống viêm kháng khuẩn từ hoạt chất được chiết xuất từ hoa cúc (ức chế khá mạnh các chủng vi khuẩn như phế cầu, liên cầu khuẩn tan máu, tràng cầu khuẩn, tụ cầu vàng, các trực khuẩn lỵ Shiga, Sonne, trực khuẩn subtilis, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli…); tác dụng tăng cường thị lực và tác dụng an thần ở những bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng do sang chấn tinh thần.

Những bài thuốc hay chữa bệnh từ hoa cúc

Những bài thuốc hay chữa bệnh từ hoa cúc

Nhờ có tính dược liệu cao nên hoa cúc được nghiên cứu thành nhiều các bài thuốc Đông y chữa bệnh khác nhau như:

  • Chữa ho, sốt, cảm: Bài thuốc “Tang cúc ẩm” trị sốt, ho, cảm mạo: cúc hoa vàng, lá dâu mỗi vị 6g; liên kiều, bạc hà, cam thảo, cát cánh mỗi vị 4g, sắc cùng 600ml nước đến khi còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa cảm sốt: cúc hoa vàng, địa liền mỗi vị 5g; cúc tần, lá tre, bạc hà, kinh giới, tía tô, cát căn mỗi vị 20g. Tán thuốc bột hoặc chế thành thuốc viên, uống mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 4 – 6g.
  • Chữa cảm phong hàn (chủ yếu có cảm giác lạnh): cúc hoa vàng 5g, địa liền 5g; bạc hà, kinh giới, tía tô, cát căn mỗi vị 20g. Sắc uống.
  • Trị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược thần kinh và các chứng bệnh về mắt:
  • Bài thuốc “Cúc hoa trà điều tán” trị hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc: cúc hoa vàng, xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, khương tàm (các vị bằng nhau). Trộn đều, tán nhỏ, mỗi lần uống 4 – 6g, sau bữa ăn, dùng nước chè chiêu thuốc.
  • Chữa can âm hư, thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch ở người già, suy nhược thần kinh (triệu chứng: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lưỡi khô): cúc hoa vàng 8g; kỷ tử, hà thủ ô, thục địa, sa sâm, đỗ đen sao mỗi vị 12g; tang thầm, long nhãn, mạch môn mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Chữa suy nhược tâm thần với các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, kém trí nhớ, mất ngủ: cúc hoa trắng 20g, toan táo nhân 25g; đương quy, phục linh, sinh địa, kỷ tử mỗi vị 20g; viễn chí, tục tùy tử, mạch môn, bạch truật mỗi vị 15g; xuyên khung, hoàng bá, nhân sâm mỗi vị 10g; nước 800ml sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống trong 5 ngày.
  • Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có xơ vữa động mạch, chóng mặt, ù tai và những triệu chứng chủ quan khác: cúc hoa trắng 10g, sinh địa 25g, vỏ ngọc trai 25g, sơn dược 15g, phục linh 12g, sơn thù du 12g, mẫu đơn 10g, lá dâu 10g, nước 800ml. Sắc còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày.

Tuy là một vị thuốc Đông y không khó tìm lại có tác dụng lớn nhưng để không đem lại các tác dụng phụ cho cơ thể thì bệnh nhân nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị khi có sự tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn.

Nguồn: thuocdongy.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *